Cái nhìn về giáo dục dân lập ở phổ thông

Nguyễn Đức Hùng 

Giáo dục công lập hay giáo dục dân lập đều có tôn chỉ giống nhau và người thầy cũng được trân trọng như nhau nếu thật sự có tài năng và đức độ.

Về mặt từ nguyên, “education” trong tiếng Anh có gốc La-tinh là”nuôi dưỡng, nuôi dạy”. Khái niệm này phù hợp với tiếng Việt và tiếng Hán về giáo dục. Bởi, giáo () có nghĩa là “dạy cho biết”; dục () có nghĩa là “nuôi dưỡng”.

03.jpg
Lễ ký kết hiệp ước dạy THPT tại Nhật Bản giữa Trường THPT Lạc Hồng với Tập đoàn Giáo dục Murakami Gakuen Nhật Bản (Lớp 10+11 học tại Trường Lạc Hồng, lớp 12 học tại Nhật Bản)

Vậy, giáo dục là dạy dỗ, nuôi dưỡng về trí-dục, đức-dục, thể-dục. Giáo dục phổ thông của công lập và dân lập xét về bản chất và mục đích hoàn toàn không khác biệt. Bên cạnh, sự xuất hiện của giáo dục dân lập đã có từ lâu đời ở xã hội phương Đông, nhất là các nước thuộc hệ tư tưởng giáo dục Nho gia.

Giáo dục dân lập xưa

Theo tác giả Anh Vũ (NXB Hà Nội), “Bên cạnh Quốc Tử Giám – trung tâm giáo dục đào tạo tri thức nho học lớn của Thăng Long được thành lập từ thời Lý – là nơi dành cho các hoàng tử đến học để “chầu chực Kinh diên”, nhà Trần cho lập thêm Quốc Học viện vào năm 1253 hay còn gọi là Quốc Tử viện, rồi xuống chiếu vời nho sĩ trong nước đến giảng Tứ thư, Ngũ kinh. Theo Lê Quý Đôn, “thượng thư giữ công việc ở Quốc Tử viện”, là nơi con em quan lại và tụng thần vào học. Đối với Quốc Tử Giám và Quốc Tử viện, triều đình rất quan tâm đến việc lựa chọn, tìm người tài giỏi phụ trách việc dạy học.

Năm 1272 vua Trần Khâm xuống chiếu tìm người tài giỏi, đạo đức, thông hiểu kinh sách làm Tư nghiệp Quốc Tử Giám, tìm người có thể giảng bàn ý nghĩa của Tứ thư, Ngũ kinh sung vào nơi hầu vua đọc sách. Bên cạnh Quốc Tử Giám và Quốc Tử viện, năm 1281, nhà Trần còn lập nhà học ở phủ Thiên Trường – Nam Định. Đây là trung tâm đào tạo, tuyển lựa nhân tài thứ hai của Đại Việt được thành lập dưới thời Trần.

54f40_dsc04005_copy.jpg

Như vậy đây là lần đầu tiên trong lịch sử Đại Việt, bên cạnh trường quốc học ở kinh đô còn có trường quốc lập ở địa phương. Ngoài các trường quốc lập được triều đình xây dựng, quan tâm phát triển, thời kỳ này cũng đã hình thành một số trường tư, trong đó tiêu biểu là trường của Chu Văn An và của Trần Ích Tắc”.

Ở phương Nam, cho đến thời nhà Nguyễn, Võ Trường Toản mở trường dạy học hàng trăm học trò mà khuôn viên hiện nay, chính là đình Chí Hòa trong con hẻm đường Cách Mạng Tháng Tám, Quận 10 (TP.HCM).

Nhiều danh thần triều Gia Long như Ngô Tùng Châu, Trịnh Hoài Đức, Lê Quang Định, Ngô Nhân Tịnh đều là học trò Cụ. Hơn nữa, chính ông đã tạo nên cái “học phong sĩ khí” cho những thế hệ sau đó. Từ những môn sinh cao đồ cho đến những người như Nguyễn Đình Chiểu, Huỳnh Mẫn Đạt, Phan Văn Trị, đã hy sinh tuẫn tiết lúc nước nhà bị xâm lăng, đều là người chịu ảnh hưởng của Cụ.

Danh tiếng cụ Võ Trường Toản tỏa sáng đến độ, dù không phải là học trò của cụ nhưng Phan Thanh Giản – tiến sĩ đầu tiên của đất phương Nam hết lòng kính trọng cụ như thầy. Cho nên, năm Tự Đức thứ 8 (Ất Mão: 1855), Phan Thanh Giản dâng sớ xin lập miếu thờ Cụ Võ Trường Toản nơi huyện Bình Dương, làng Hòa Hưng.

Như vậy, chúng ta cũng thấy rằng, công lập hay dân lập đều có tôn chỉ giống nhau và người thầy cũng được trân trọng như nhau nếu thật sự có tài năng và đức độ.

Cái nhìn của xã hội về giáo dục dân lập

Sau năm 1975, Việt Nam bước ra từ hoang tàn của chiến tranh vệ quốc, giáo dục phổ thông bấy giờ tồn tại 2 loại hình chính: công lập và giáo dục thường xuyên (Bổ túc văn hóa). Mãi đến năm 1988 -1989, Hà Nội mới có trường tư (dân lập, tư thục) đầu tiên. Ở TP.HCM cũng chỉ xuất hiện loại hình giáo dục này hơn 20 năm nay.

Những năm đầu, xã hội chúng ta từ hình thức quản lý bao cấp, sang cơ chế thị thường, phần lớn thứ gì thuộc về tư nhân thường bị cái nhìn ái ngại, hoài nghị, không được đề cao về tính chính danh, trong đó có loại hình trường tư (dân lập, tư thục). Ngày đó, giáo viên biên chế mới được coi trọng. Thầy, cô dạy trường tư cũng không được coi trọng bằng giáo viên dạy luyện thi đại học ở các trung tâm lớn.

Nhưng rồi, trong ánh nhìn chủ quan của tôi, từ những người thầy tài năng và đức hạnh đã phần nào làm thay đổi cái nhìn của xã hội, phụ huynh về trường tư. Đó là giáo sư khả kính Văn Như Cương cho ra đời trường Lương Thế Vinh ở Hà Nội 1989 và ở TP.HCM là giáo sư Lê Trí Viễn với trường Nguyễn Khuyến ra đời năm 1992.

img_6151.jpg
Trường THCS, THPT Lạc Hồng ở Quận 12 (TP.HCM) là ngôi trường dân lập duy nhất ở TP.HCM có liên kết trao đổi học sinh với trường phổ thông Nhật Bản và Đài Loan (Trung Quốc).

Cho nên, tài năng, đức hạnh của người thầy là vô cùng quan trọng trong nền giáo dục. Lực hấp dẫn ấy đã tác động lớn làm thay đổi tâm lý xã hội từ hoài nghi sang tin cậy! Hai nhà sư phạm mẫu mực này đã hội tụ được những thầy, cô tài giỏi về giảng dạy và mang đến thành công vang dội cho 2 ngôi trường này.

Ngày đó, cũng đang trong thời kỳ thi đại học hình thức 3 chung vô cùng sôi nổi, những giảng viên, giáo viên ở Hà Nội được mời dạy ở trung tâm luyện thi Học Mãi hay ở TP.HCM là trung tâm Vĩnh Viễn là niềm vinh dự lớn. Cũng vậy, được mời dạy trường dân lập Lương Thế Vinh ở Hà Nội hoặc dân lập Nguyễn Khuyến ở TP.HCM phải là những giáo viên có năng lực giảng dạy vượt trội.

Từ đây, các trường dân lập xuất hiện nhiều như nấm sau cơn mưa lành và cũng có thể liên tưởng trăm hoa đua nở dưới nắng xuân ấm áp. Riêng ở TP.HCM, hệ dân lập tính đến thời điểm mùa hè 2024 đã có gần 50 trường. Cứ mỗi năm tuyển sinh lớp 10, TP.HCM thiếu chỗ học công lập cũng vài chục ngàn học sinh. Vì thế, phụ huynh và cộng đồng quan tâm giáo dục đã có cái nhìn tin cậy. Vì thế cơ hội đã mở ra cho các trường dân lập.

Hoa nở hoa tàn và điểm sáng giáo dục

Tuy nhiên, tình trạng sớm nở – tối tàn cũng diễn ra, mà nguyên nhân sâu xa xuất phát từ những nhà đầu tư chỉ thiên về lợi nhuận mà quên rằng tôn chỉ giáo dục phổ thông là vấn đề rèn luyện nhân cách lối sống con người.

Được biết, có những trường chỉ lèo tèo vài trăm học sinh và cơ sở vật chất được cải tạo từ những căn nhà có diện tích rộng, hay các xí nghiệp sản xuất đã phá sản. Vì vậy, môi trường giáo dục kém chất thi vị học đường vì không gian quá nhỏ bé, tù túng.

Một số trường đưa cả dòng họ vào quản lý, khi họ thiếu vắng tinh thần, thái độ, phong cách sư phạm làm nản lòng những giáo viên, khiến giáo viên dạy vì lương hơn là thực hiện thiên chức người thầy.

Một đồng nghiệp già của tôi tâm sự về một hiệu phó trẻ tuổi xuất thân cao đẳng liên thông đại học nhưng tỏ ra uy quyền khi phán xét: “Những giáo viên để học trò ngủ gật trong lớp là không đủ tư cách dạy học”.

Muôn đời nay có lớp học nào mà thi thoảng không có học trò ngủ ngật với muôn vàn lý do. Quan trọng ở chỗ, những người thầy ứng xử, giáo dục học trò trong trường hợp đó như thế nào. Tôi không tin một giáo viên già lại thiếu nghiệp vụ sư phạm và đạo đức nghề nghiệp đến mức để một anh hiệu phó chưa từng được đứng lớp có phán xét hợm hĩnh kém hiểu biết như vậy!

Đó là một cảm xúc sư phạm tệ hại ở trường dân lập khá phổ biến, mà chủ đầu tư chỉ thiên về kinh doanh giáo dục và quản lý mang nặng yếu tố gia đình. Những ngôi trường như vậy sẽ là dự báo cho sự suy tàn, bởi không nắm được hoặc cố tình bỏ qua tôn chỉ cao quý của giáo dục phổ thông.

12.jpg

Nhà toán hoc Ba Tư Al- KhWarizmi (SN 780) – được xem là cha đẻ của ngành đại số với cách giải hệ thống phương trình bậc bốn và tuyến tính, từng có cách ứng xử xuất chúng khi có người hỏi: “Giá trị cao nhất của con người là gì?”. Ông trả lời vỏn vẹn 2 từ: “ĐẠO ĐỨC”.

Tôi đã gặp một người thầy dạy toán và là Hiệu trưởng – Chủ tịch Hội đồng quản trị trường dân lập THCS, THPT Lạc Hồng ở Quận 12 (TP.HCM) rất tâm đắc với cách nhìn con người của Al- KhWarizmi, rồi ứng dụng sâu sắc vào học đường. Đó là thầy Trương Quang Ngọc. Thầy vốn là con cháu trực hệ của đại thần nhà Nguyễn được mệnh danh là “tam triều thạc phụ” Trương Đăng Quế – người khai khoa xứ Quảng Ngãi.

Từ ngôi trường chỉ với quy mô vài ba trăm học sinh, thầy đã nâng lên thành điểm sáng giáo dục ở Quận 12 nói riêng và TP.HCM nói chung với 2 cơ sở và số lượng gần 3000 học sinh từ lớp 6 – 12. Điều gì làm nên điều thần kỳ ấy, nếu không phải xuất phát điểm từ tư tưởng giáo dục phi lợi nhuận giàu tính nhân văn.

Trường lấy học trò làm trọng tâm; thầy, cô làm người gợi mở dẫn dắt, tạo cảm hứng chính xác hoàn cảnh, năng lực học tập, tính cách, tâm tư từng học trò của mình.

Từ cái nhìn chính xác, tâm đắc với quan niệm “Một trí tuệ minh mẫn chỉ có trong một cơ thể tráng kiện”. Vì vậy, nhà trường rất coi trọng rèn luyện sức khỏe cho học sinh trong giờ thể dục và ý thức tự rèn khi ở nhà. Thời khóa biểu còn dành cho tiết học nhảy “cha cha cha…” vừa rèn sức khỏe, vừa tạo kỹ năng sống tích cực, yêu vận động và tự tin khi giao tiếp cộng đồng sau này.

Đặc biệt, trường tạo một nông trại rộng lớn ở Củ Chi để học sinh mỗi năm được đến đó trải nghiệm vài lần giữa thiên nhiên trong lành, thi vi, đồng thời được ứng dụng kỹ năng sống qua thực hành nấu ăn, trồng trọt… Chỉ với 60 ngàn đồng, học sinh được nhà trường đưa đón bằng xe bằng xe 45 chỗ, cung cấp thực phẩm cho các em thực hiện nấu ăn theo chủ đề.

img_6177.jpg

Lối học kết hợp ấy mở ra và giải phóng, giúp học sinh thoát khỏi những ràng buộc, định kiến để trở nên tự do, sáng tạo và có khả năng phát triển toàn diện, tạo năng lượng tốt. Đồng thời, giữa thiên nhiên tươi đẹp ấy thì sự gắn kết, tình bạn, đồng môn trở nên sâu đậm thêm.

Thế cho nên, trong tình yêu cũng vậy, cụ Nguyễn Du tả cảnh trai tài gái sắc và tình yêu lứa đôi trên cái nền thiên nhiên diễm tình của tiết thanh minh “Cỏ non xanh rợn chân trời; Cành lê trắng điểm một vài bông hoa” là vậy! Đó chính là giáo dục khai phóng và nhân bản.

Ấn tượng đầu giờ mỗi bộ môn đồng loạt vang lên âm thanh học trò “chúng em chào thầy/cô”. Học sinh luôn từ tốn nhường nhau xuống cầu thang, hàng một ra về và nơi hành lang, sân trường thầy, trò luôn chào thân ái mỗi khi gặp nhau.

Sống thật chính là bước đầu xây dựng nền tảng đạo đức. Cho nên đây là ngôi trường đưa tiêu chí: “Học thật, điểm thật, cấm giả dối”. Chính vì vậy, nhiều học sinh yếu biết chấp nhận sự thật mà rèn luyện để vươn lên dưới sự dẫn dắt không mệt mỏi như một mệnh lệnh thiêng liêng về đạo đức cho mỗi thầy, cô, học trò để hoàn thiện:

  • Rèn luyện nhân cách và lối sống
  • Cư xử lễ phép, văn minh, lịch sự
  • Có ý thức trách nhiệm với cộng đồng.

Đúng vậy, một gia đình hạnh phúc bắt đầu từ sự giáo dục; một quốc gia hạnh phúc bắt đầu từ nền tảng giáo dục; một trường học thật sự hạnh phúc đương nhiên cũng tuân thủ tôn chỉ cao thượng của giáo dục.

Có thể nói, đây là ngôi trường dân lập duy nhất ở TP.HCM có liên kết trao đổi học sinh với trường phổ thông Nhật Bản và Đài Loan (Trung Quốc). Mỗi năm có hơn 20 mười học sinh được sang Nhật Bản và Đài Loan giao lưu học tập. Cũng vậy, đoàn giáo dục nhà trường cùng học sinh Nhật Bản và Đài Loan cũng sang trường Lạc Hồng để giao lưu.

Có một trường THCS, THPT Lạc Hồng và thầy hiệu trưởng – Chủ tịch hội đồng quản trị như thế đang là điểm sáng ở quận 12. Chỉ có một điều đáng tiếc là không gian trường chưa đủ diện tích tiêu chuẩn để khang trang, đúng nghĩa với môi trường sư phạm và thầy hiệu trưởng đang đau đáu.

Được biết, để thực hiện mục tiêu 300 phòng học/10.000 dân số vào độ tuổi đi học vào năm 2025, Chủ tịch UBND TP.HCM đã chỉ đạo quy hoạch dành quỹ đất nhằm thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư phát triển giáo dục. Mong thay, Bí thư thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên rất mực đề cao giáo dục và trọng dụng nhân tài.

Mong lắm thay, các cấp lãnh đạo kịp thời hướng dẫn, khích lệ, hỗ trợ thủ tục về quỹ đất cho các trường thu học phí thấp, phi lợi nhuận ngoài công lập, để trường lớp khang trang hơn, góp phần tươi sáng vào bức tranh chung của giáo dục TP.HCM.

Nguồn: https://khoahocphothong.vn/cai-nhin-ve-giao-duc-dan-lap-o-pho-thong-255379.html

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Hot Line: 0919 246 658